Với tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú, du lịch Hòa Bình có đầy đủ điều kiện để xây dựng, hình thành các sản phẩm hấp dẫn, thu hút được đông đảo khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bên cạnh bước phục hồi, tăng trưởng tốt, hoạt động du lịch của tỉnh còn không ít tồn tại, hạn chế.
Dự án khu du lịch Robinson tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc) kỳ vọng là điểm đến nghỉ dưỡng cao cấp với sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ triển khai do gặp nhiều vướng mắc.
Thương hiệu, hình ảnh du lịch chưa nổi bật
Ngoài những cái tên đã để lại dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam, gồm điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) với vinh dự được nhận giải thưởng DLCĐ ASEAN năm 2019; bản Lác của đồng bào dân tộc Thái thuộc xã Chiềng Châu (Mai Châu) thì thương hiệu, hình ảnh của các điểm đến trên địa bàn tỉnh còn khá mờ nhạt. Hiện một trong những điểm đến được tỉnh tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc để tạo sức hút, điểm nhấn cho du lịch Hòa Bình là Khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình.
Chị Trần Thị Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH Vietbiztour (Hà Nội) chia sẻ: Tôi đã đồng hành với nhiều chương trình famtrip của tỉnh Hòa Bình, cũng như tổ chức đưa nhiều đoàn khách đến tham quan du lịch tại các điểm đến. Có thực tế là dịch vụ, sản phẩm du lịch ở một số điểm còn đơn điệu, chưa tính đến sự phù hợp với từng nhóm đối tượng khách. Vì lẽ đó mà để thiết kế chương trình tour cho khách, đơn vị chúng tôi phải tính toán ghép lịch trình, chẳng hạn với tour 2 ngày 1 đêm, khách sẽ khởi hành từ Hà Nội đến điểm Ún House, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) để trải nghiệm, check- in cánh đồng Mường Bi, tắm thác Trăng và ăn tối, nghỉ lưu trú. Tiếp đó, khách về điểm Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xã Bắc Phong (Cao Phong) để tham quan, thưởng thức ẩm thực trước khi lên xe về Hà Nội kết thúc hành trình.
Hiện nay, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái có xu hướng "lên ngôi”. Với lợi thế gần thị trường khách, Hòa Bình đang trở thành một trong những khu vực trung tâm của thị trường du lịch này. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 30 khu nghỉ dưỡng, chủ yếu trên địa bàn các huyện: Lương Sơn, Mai Châu, Đà Bắc, Kim Bôi và TP Hòa Bình. Anh Trần Duy Thắng, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh nhận định: Cảnh quan thiên nhiên, môi trường ở Hòa Bình vô cùng lý tưởng. Các điểm đến du lịch nghỉ dưỡng như Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village Resort (Mai Châu), Evory (Lương Sơn), Serena Resort (Kim Bôi), Hasu Village (TP Hòa Bình)… đã khai thác tối ưu tiềm năng này. Mong rằng trong thời gian tới, du lịch nghỉ dưỡng Hòa Bình có thêm các sản phẩm dịch vụ, điểm vui chơi giải trí mới, hấp dẫn hơn dành cho các đối tượng, nhất là nhóm khách, gia đình.
Kết quả phát triển du lịch chưa nhiều ấn tượng
Thời gian gần đây, ngành du lịch tỉnh Hòa Bình chú trọng nghiên cứu, triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh từng địa phương. Tiêu biểu là sản phẩm DLCĐ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; du lịch nghỉ dưỡng trên hồ Hòa Bình; du lịch thể thao dù lượn, golf, chạy marathon; du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm làng nghề, sản phẩm OCOP… Mô hình phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, DLCĐ gắn với trải nghiệm thực tế, các giá trị văn hóa truyền thống được triển khai hiệu quả. Một số loại hình du lịch camping, tắm thác, tắm suối… được giới trẻ quan tâm. Các huyện, thành phố khai thác các sản phẩm du lịch vùng ven hồ, như tuyến đi bộ, đạp xe quanh hồ, trải nghiệm DLCĐ, nghỉ dưỡng cuối tuần. Du lịch tâm linh được khôi phục và duy trì tốt hoạt động tại các khu, điểm di tích, điểm thờ tự. Một số ngành nghề truyền thống được bảo tồn, góp phần tạo ra sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh huy động doanh nghiệp tăng cường liên kết đầu tư các sản phẩm du lịch có tiềm năng. Nhiều cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào khai thác, như: Maida Logde; Mơ Village (Đà Bắc), Mandala Retreat (Kim Bôi), Lương Sơn Retreat (Lương Sơn)… TP Hòa Bình thực hiện thử nghiệm và khai trương tuyến phố đi bộ cuối tuần tạo sản phẩm du lịch mới. Tuy mang tính chất tự phát nhưng hoạt động của một số điểm du lịch kết hợp vui chơi giải trí, như: bãi cắm trại, bơi thuyền tại Nà Bờ, sông Bôi (Kim Bôi); tổ hợp kinh doanh lưu trú kết hợp dịch vụ ăn uống, giải trí Mường Tháu (TP Hòa Bình)… thu hút người dân và du khách.
Năm 2023, Hòa Bình đón 3,8 triệu lượt du khách tham quan, tăng 21,5% so với cùng kỳ, thực hiện 108,6% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế 450 nghìn lượt, đạt 100% kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 102,6% kế hoạch năm. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Du lịch tỉnh, mặc dù chất lượng sản phẩm đã được nâng lên, hoạt động du lịch có mức tăng trưởng tốt nhưng còn gặp nhiều lực cản về cơ sở hạ tầng du lịch; cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phát triển du lịch; chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch.
Thúc đẩy, tạo đột phá cho du lịch Hòa Bình
Năm 2024, du lịch Hòa Bình phấn đấu đón 4,2 triệu lượt khách, trong đó có 500 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch trên 4.600 tỷ đồng. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Để thu hút thêm nhiều lượt khách đến với Hòa Bình, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách, việc xây dựng, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn có ý nghĩa then chốt.
Tỉnh đang tổ chức triển khai và thực hiện chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDL quốc gia; Đề án xây dựng các xã vùng cao Tân Lạc trở thành KDL cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh, giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó, ưu tiên các nguồn lực, lồng ghép nguồn ngân sách nhà nước đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch, nhất là các bến cảng du lịch, tuyến đường ven hồ KDL hồ Hòa Bình để kết nối các điểm du lịch, tạo thuận lợi về giao thông phục vụ nhà đầu tư du lịch, du khách và người dân địa phương; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này.
Mặt khác, tỉnh xây dựng chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong đó, đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông và nền tảng mạng xã hội facebook, tiktok, zalo, cổng thông tin du lịch thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và số hóa trong tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thực hiện phủ sóng điện thoại và lắp đặt mạng wifi miễn phí cho một số khu, điểm du lịch quan trọng. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng về du lịch theo hướng đổi mới tư duy, phù hợp với tình hình mới, phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Đặc biệt, để phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, tỉnh đưa ra các sản phẩm mới, phù hợp, như tour ngắn ngày, nghỉ dưỡng, đi bộ, đạp xe, các cơ sở lưu trú mới vào phục vụ khách. Cùng với đó, triển khai chương trình Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; xây dựng và chuẩn hóa các điểm DLCĐ đạt chuẩn sản phẩm OCOP về du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa sinh thái, nghỉ dưỡng trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung phát triển một số dự án du lịch vui chơi giải trí chất lượng cao trên KDL hồ Hòa Bình; các huyện, thành phố đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phục vụ du khách trên cơ sở chủ động đề xuất, xây dựng và hoàn thiện thủ tục công nhận mỗi địa phương có tối thiểu 1 điểm du lịch cấp tỉnh mới.
Nguồn : http://baohoabinh/com/vn/278/195370/Tang-toc-phat-trien-du-lich-ben-vung.htm