Hồ Hoà Bình trước cơ hội vươn mình thành thiên đường du lịch

Với thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa bản địa đặc sắc và chiến lược phát triển bài bản, hồ Hòa Bình đang hứa hẹn trở thành “Hạ Long trên núi” mới của Việt Nam, thu hút không chỉ du khách mà cả nhà đầu tư từ khắp nơi.

Khu du lịch hồ Hòa Bình đã thu hút 16 dự án du lịch và dịch vụ, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.300 tỷ đồng.

Nằm trải dài qua 5 huyện và thành phố của tỉnh Hòa Bình và được hình thành trong quá trình xây dựng thủy điện Hòa Bình, hồ Hoà Bình được ví như một "Hạ Long trên núi" với mặt nước trong xanh, rộng hàng chục nghìn ha, cùng hàng chục hòn đảo lớn nhỏ. Sở hữu tiềm năng du lịch phong phú, hồ Hòa Bình đang dần hồi sinh sau nhiều năm như một “nàng công chúa ngủ quên” và hiện đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trong những khu du lịch trọng điểm của miền núi phía Bắc.

Tính đến nay, khu du lịch hồ Hòa Bình đã thu hút 16 dự án du lịch và dịch vụ, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.300 tỷ đồng, trên tổng diện tích sử dụng gần 1.450ha. Hầu hết các dự án này được phê duyệt kể từ năm 2016 khi Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia. Điển hình là dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson tại đảo Sung của Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình với tổng vốn 891 tỷ đồng, hay khu nghỉ dưỡng và sinh thái hồ Hòa Bình của Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng với vốn đầu tư 800 tỷ đồng.

Hiện tại, các cơ sở lưu trú và dịch vụ quanh hồ Hòa Bình vẫn còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ và chưa đủ sức hấp dẫn. Tuy nhiên, các dự án mới với quy mô lớn và chất lượng cao đang hình thành, không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí mà còn phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp cho khách trong và ngoài nước.

Công ty CP Đầu tư du lịch Hòa Bình đã nâng vốn đầu tư cho dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson từ 279 tỷ đồng lên 891 tỷ đồng, đồng thời nâng cấp các hạng mục từ tiêu chuẩn 2-3 sao lên 4-5 sao, trong đó giai đoạn I có 55 căn biệt thự và 108 phòng ngủ. Dự án này sẽ cung cấp nguồn lưu trú lớn cho hồ Hòa Bình, đặc biệt sau khi công viên nước nổi với hạng chục trò chơi trên nước được đưa vào sử dụng tại vịnh Ngòi Hoa.

Một dự án đầy tham vọng khác là khu du lịch Shoshin Bình Thanh WorldHotels Spa & Resort tại xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Dự án này có diện tích gần 13ha, được thiết kế với 225 căn biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố thương mại. Không chỉ hướng đến lượng khách du lịch nội địa lớn, chủ đầu tư hy vọng đưa chất lượng du lịch Hòa Bình lên tầm cao mới và thu hút khách du lịch quốc tế bằng cách ký kết thương hiệu cao cấp WorldHotels của Tập đoàn Best Western Hotels & Resorts. Bên cạnh đó, chủ đầu tư mới đây cũng ký kết thoả thuận với 6 công ty du lịch chuyên đón khách du lịch Hàn Quốc nhằm phát triển cơ sở lưu trú cũng như tiện ích “hợp gu” với dòng khách này.

Cũng tại Bình Thanh, một dự án khu nghỉ dưỡng với diện tích 6,7ha đang được xây dựng, bao gồm 135 căn biệt thự và hai khối khách sạn, cùng nhiều tiện ích cao cấp như khu thể thao nước, nhà hàng và khu vui chơi trẻ em.

Trong bối cảnh du lịch ven đô đang bùng nổ, tỉnh Hòa Bình với lợi thế gần Hà Nội được xem là điểm đến hàng đầu cho phát triển du lịch ven đô ở miền Bắc. Hồ Hòa Bình có tiềm năng thu hút nhiều nhà đầu tư lớn để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch, phù hợp với quy hoạch khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2016.

Triển vọng này càng thêm rõ rệt khi chính quyền tỉnh Hòa Bình đang đầu tư mạnh mẽ nhằm đáp ứng tiêu chí của một khu du lịch tầm cỡ quốc gia vào năm 2025. Sau khi Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết năm 2017 về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình, tỉnh đã nhanh chóng đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng. Một trong những dự án trọng điểm là nâng cấp tuyến Đường tỉnh 435, tổng chiều dài gần 25km với vốn đầu tư 756 tỷ đồng, đã được triển khai khẩn trương.

Dự án cao tốc Mộc Châu – Hòa Bình với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng cũng vừa được khởi công xây dựng. Những dự án hạ tầng này sẽ là "ngòi nổ" cho du lịch hồ Hòa Bình trong những năm tới, nhất là khi xu hướng du lịch ven đô dự báo sẽ bùng nổ tại những nơi có cảnh quan đẹp và cách đô thị lớn dưới 1,5 giờ lái xe.

Một nút thắt đối với việc phát triển du lịch hồ Hoà Bình từ trước đến nay cũng đã được tháo gỡ khi Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 25/3/2021. bản quy hoạch xây dựng đã cho thấy quy mô của một khu du lịch trọng điểm mang tầm quốc gia với sáu phân khu lớn, có thể đón đón 1,6 - 2 triệu lượt khách vào nắm 2030 và 2,5 - 3 triệu lượt khách vào năm 2035. Theo đó, khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình đến năm 2035 được lập quy hoạch trên quy mô lên đến 52.200ha với tổng số phòng lưu trú lên đến 5.900 phòng.

Đây được coi là khung khổ pháp lý quan trọng, mở thông cửa cho các nhà đầu tư khi đưa ra những định hướng quan trọng cho việc phát triển du lịch hồ Hoà Bình tới năm 2030. Bản quy hoạch xây dựng chung này sẽ là cơ sở để lập quy hoạch phân khu, để từ đó các doanh nghiệp có thể lập quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, do quy hoạch phân khu bị chậm, đồng thời, quy trình đánh giá tác động môi trường được tiến hành nghiêm ngặt để bảo vệ nguồn nước, nên cho đến nay chưa có nhiều dự án có được giấy phép xây dựng. Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bình Thanh do Công ty CP Mora Group làm chủ đầu tư là một trong số ít các dự án du lịch nghỉ dưỡng ở lòng hồ Hoà Bình vượt qua những vòng “kiểm định” khắt khe để triển khai xây dựng, góp phần nâng tầm của du lịch hồ Hoà Bình.

Theo: https://baoxaydung.com/vn/don-song-dau-tu-lon-ho-hoa-binh-truoc-co-hoi-vuon-minh-thanh-thien-duong-du-lich-386722.html
Chia sẻ:

Tư vấn hỗ trợ 24/7

Phone icon 0853.863.338
Phone icon 0839.851.426
Email: taudulichdenchuathacbo@gmail.com

Nhãn

Hotline/Zalo: 0853863338
Chat Facebook
Gọi điện ngay